10 NGUYÊN TẮC CẦN NHỚ GIÚP BÉ ĂN DẶM ĐÚNG CHUẨN

Ăn dặm là một cột mốc thú vị trên hành trình trưởng thành của bé nhưng cũng mang lại không ít âu lo cho ba mẹ. Khi cơ thể và hệ tiêu hóa của bé sẽ phải “tập sự” để thích nghi với một công việc mới, tập ăn các loại thức ăn ngoài sữa

Ăn dặm sẽ không còn là cuộc chiến khi ba mẹ nắm chắc 10 nguyên tắc vàng sau đây. Hãy cùng bác sĩ dinh dưỡng Phương Châu tìm hiểu xem 10 nguyên tắc này là như thế nào nhé

1. Bú mẹ hoàn toàn từ lúc sinh đến tròn 6 tháng và ăn dặm cũng bắt đầu từ thời điểm này 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bé nên bắt đầu giai đoạn ăn dặm khi được 6 tháng tuổi và kết thúc ở tháng thứ 24. Bởi từ tháng thứ 6 trở đi sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450 kcal/ ngày trong khi giai đoạn này bé lại cần đến 700 kcal/ ngày. Do đó, ba mẹ cần bổ sung thêm các món ăn dặm cho bé để bù đắp phần năng lượng bị thiếu hụt. 

2. Duy trì cho bé bú mẹ song song với ăn dặm đến khi bé 24 tháng tuổi

Khuyến khích mẹ nên duy trì cho bé bú sữa mẹ cho đến khi bé được 24 tháng. Bởi sữa mẹ luôn là dưỡng chất vàng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Và song song với việc bú sữa mẹ, ba mẹ nên tập dần cho bé ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi). Vì đây sẽ là thời điểm được khuyến cáo giúp bé làm quen với các loại thức ăn khác để mẹ dễ dàng cai sữa về sau.

3. Tuân thủ nguyên tắc cho bé ăn từ ít đến nhiều

Ba mẹ có thể bắt đầu cho bé tập ăn bột khoảng nửa chén/lần và lặp lại 1-2 bữa một ngày. Ngay cả khi bé ngon miệng và ăn hết trong bữa đầu tiên thì cũng không nên cho bé ăn thêm. Nên tuân thủ quy tắc này vì hệ tiêu hoá của bé còn khá non nớt, nếu cho ăn quá nhiều có thể khiến con bị rối loạn tiêu hoá. 

* Từ 6 đến 8 tháng: vài muỗng → ½ chén

* Từ 9 đến 11 tháng: ½ chén

* Từ 12 đến 23 tháng: ¾ → 1 chén

4. Khi tập cho bé ăn dặm nên cho bé ăn từ loãng đến đặc

Do độ tuổi này bé vẫn đang quen với thức ăn chính là sữa. Và sữa là chất lỏng nên dạ dày bé rất ít phải co bóp cơ học. Nên khi bắt đầu tập cho con ăn dặm, ba mẹ có thể nấu bột hoặc cháo cho con. Nhưng lưu ý nên nấu thật loãng để dạ dày con dễ tiêu hóa. Với cháo nên dùng rây hoặc các dụng cụ chế biến đồ ăn dặm để nghiền cháo mịn. Khi bé dần làm quen được với thức ăn dặm thì ba mẹ sẽ nấu đặc dần. Nhưng vẫn phải đảm bảo đồ ăn cho bé được nấu nhừ.

* Từ 6 đến 8 tháng: xay, tán nát

* Từ 9 đến 11 tháng: cắt nhỏ, những miếng thức ăn có kích thước vừa phải, dễ cắn mà bé có thể tự mình lấy và ăn 

* Từ 12 đến 23 tháng: Ăn cùng những món ba mẹ nấu thường ngày nhưng mềm hơn

5. Ăn từ đơn giản đến đa dạng

Tập cho bé ăn dặm là chỉ là giai đoạn bổ sung thêm nhưng ba mẹ vẫn cần đảm bảo cân bằng đầy đủ các dưỡng chất có trong bữa ăn dặm của bé như:

  • Nhóm chất bột đường: gạo, bột mì, nui, ngô, khoai,…Đây là nhóm thực phẩm nhiều năng lượng và dễ tiêu hóa. Ngoài chất đường, bột thì những thực phẩm này còn có hàm lượng chất xơ nhất định.
  • Nhóm chất đạm: Có hai nguồn cung cấp đạm từ thực phẩm đó là nguồn đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa,…), nguồn đạm thực vật (đậu xanh, đậu nành,…). Đây là nhóm thực phẩm an toàn và dễ tiêu hóa cho dạ dày của bé.
  • Nhóm chất béo: Các nguồn cung cấp chất béo có rất nhiều trong dầu thực vật, dầu cá, mỡ, bơ, phô mai,… Nhiều ba mẹ còn hiểu sai về chất béo không tốt cho sức khỏe con nên đã loại bỏ ra khỏi bữa ăn. Trên thực tế, chất béo rất cần thiết với sự sống và sức khỏe của mỗi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Và chỉ khi chất béo bị dư thừa quá mức trong cơ thể không tiêu hao được thì mới ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
  • Nhóm rau củ và trái cây: Đây là nhóm dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể của bé. Nhóm này có rất nhiều trong các loại rau củ và trái cây. Vì vậy, ba mẹ nên đa dạng các loại thực phẩm này mỗi ngày để bé được bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ các bữa ăn dặm.

6. Tăng dần số bữa phù hợp với tháng tuổi 

Số lượng bữa ăn của bé sẽ phụ thuộc vào mức độ năng lượng được cung cấp từ các loại thức ăn. Với bé bú mẹ khỏe chỉ nên ăn từ 1 – 3 bữa nhỏ/ngày khi bé được 6 – 8 tháng tuổi. Và từ 3 – 4 bữa ăn dặm từ 9 – 11 tháng. Khi trẻ được 12 đến 24 tháng tuổi nên cho bé ăn thêm 1 – 2 bữa phụ trong ngày. Và bữa phụ sẽ được ăn giữa các buổi chính.

7. Tạo không khí vui vẻ, thân thiện trong bữa ăn

– Trực tiếp cho bé ăn hoặc hướng dẫn bé tự ăn

– Để bé ăn chậm rãi, kiên nhẫn và khuyến khích bé ăn nhưng không ép buộc

– Nếu bé từ chối nhiều loại thực phẩm, ba mẹ hãy thử thay đổi cách chế biến, bày trí, phối hợp thực phẩm, mùi vị để kích thích vị giác của con

– Giảm tối đa những yếu tố làm bé sao nhãng trong bữa ăn như: xem tivi, điện thoại, các thiết bị điện tử, vừa đi chơi vừa ăn

– Thời gian ăn là lúc thể hiện tình yêu thương và tìm tòi học hỏi, hãy dành những lời khen ngợi khi bé ăn ngoan. Kể bé nghe những món có trên bàn hoặc sử dụng ngôn ngữ không lời

8. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến

– Trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho bé, cần phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn

– Cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chú ý cách vệ sinh và chế biến để đảm bảo bé có một bữa ăn lành mạnh

– Các thực phẩm cho bé ăn cần được bảo quản an toàn. Ba mẹ cần cho bé ăn ngay sau khi chế biến đồ ăn còn ấm, không để quá lâu

– Các dụng cụ chế biến đồ ăn dặm và cho bé ăn luôn luôn phải sạch sẽ. Ba mẹ nên rửa ngay sau khi nấu cũng như sau khi cho bé ăn xong

9. Sử dụng những thực phẩm có bổ sung thêm vitamin và khoáng chất 

Ngoài bổ sung các thực phẩm đa dạng bằng chế độ ăn uống. Ba mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ dinh dưỡng cho bé sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ có chứa vitamin và các vi khoáng chất thiết yếu như: Kẽm, Lysine, Crom, Selen, Vitamin B,… giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất cho bé. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp bé con ăn ngon miệng hơn.

10. Mang đến những món “khoái khẩu” ở dạng mềm, đồng thời tăng cường cho bé uống nước và bú sữa khi bệnh

Tăng cường cho bé uống nước nhiều hơn ăn. Đặc biệt là bú nhiều sữa mẹ trong thời gian bệnh. Khuyến khích ba mẹ cho bé ăn các loại thực phẩm mềm, phong phú, ngon mà bé thích.

Trên đây là 10 nguyên tắc vàng cho bé ăn dặm mà ba mẹ phải “nằm lòng” nếu không muốn con rơi vào tình trạng biếng ăn, sụt cân hay suy dinh dưỡng. Ba mẹ có thể tham khảo thêm nhiều hơn nữa về các phương pháp ăn dặm cho bé để áp dụng phù hợp với con của mình như: ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm tự chỉ huy, ăn dặm truyền thống. Cách ăn dặm nào cũng đều hoàn hảo nếu ba mẹ chắt lọc thông tin cũng như điều chỉnh phù hợp với bé nhà mình.

Thương chúc ba mẹ sẽ có những trải nghiệm thật tuyệt vời khi cùng con chuyển sang một trang mới. Và cho bé ăn dặm thật thành công với những kiến thức hữu ích được bác sĩ dinh dưỡng Phương Châu chia sẻ trong bài viết này nhé.

Thấu hiểu chế độ dinh dưỡng, cách chế biến món ăn cho trẻ trong những năm tháng đầu đời là vô cùng quan trọng, định kỳ vào mỗi thứ 7, BS. Lê Thị Bé – Khoa Dinh dưỡng, BVQT Phương Châu sẽ về Phương Châu Sóc Trăng thăm khám và giải đáp các thắc mắc về tình trạng dinh dưỡng của trẻ cũng như thiết lập chế độ ăn phù hợp, đúng nguyên tắc để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho con. 

Thời gian từ 7h00 – 16h00 Khám tại lầu 1 – Tầng hoa hướng dương, BVQT Phương Châu Sóc Trăng.
Ba mẹ có thể đặt lịch với bác sĩ Dinh Dưỡng Phương Châu trước Tổng đài 1900545466 (ấn phím 3) hoặc Hotline 0772867171.
Hỏi đáp bác sĩ
Đặt lịch hẹn