ĐIỀU TRỊ BƯỚU GIÁP NHÂN (BƯỚU CỔ) BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐỐT SÓNG CAO TẦN (RFA)

Đốt bướu giáp nhân bằng RFA tại Phương Châu Sóc Trăng

Bướu giáp nhân (hay còn gọi là bướu cổ) là bệnh lý tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Ở giai đoạn đầu, bệnh bướu giáp nhân diễn ra âm thầm và khó phát hiện. Thậm chí, chúng không gây ra vấn đề về thể chất hoặc thẩm mỹ. Tuy nhiên, người bệnh sẽ dễ dàng nhận thấy những khối u đang dần phình to bất thường ở cổ khi bướu giáp nhân bắt đầu tiến triển.

Bướu cổ (Bướu giáp nhân)

Dù bướu giáp nhân là bệnh lý lành tính. Nhưng nếu không điều trị kịp thời, chúng sẽ gây cho người bệnh nhiều phiền toái trong cuộc sống như gây mất thẩm mỹ, và khó khăn trong hô hấp, giao tiếp và ăn uống. Nghiêm trọng hơn là những biến chứng gây viêm giáp và rối loạn chức năng tuyến giáp.

Tầm soát các bệnh lý ở cổ là cách để phát hiện bệnh lý bướu giáp nhân ngay từ giai đoạn đầu. Hiện nay, với kỹ thuật ứng dụng SÓNG CAO TẦN (RFA), người bệnh sẽ được điều trị bướu giáp nhân một cách nhanh chóng, dễ dàng và mang lại hiệu quả cao.

1. Phương pháp Đốt sóng cao tần (RFA) là gì?

Đốt sóng cao tần (Radiofrequency Ablation: RFA) là phương pháp hủy khối u bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao, nằm trong khoảng sóng âm thanh.

 

 

Một điện cực được đặt ở trung tâm khối u và duy trì nhiệt độ phá hủy từ 60 -100 độ C. Dòng điện từ máy được truyền đến khối u qua một điện cực dạng kim, sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do ma sát làm khối mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông khối u, từ đó làm giảm thể tích bướu giáp.

2. Bướu giáp nhân được chỉ định điều trị bằng RFA như thế nào?

Sau khi xác định bằng FNA, bướu giáp nhân lành tính sẽ được tiến hành điều trị với những đặc điểm sau đây :

  • Kích thước nhân > 20 mm
  • Nang với phần đặc từ trên 50%, có triệu chứng lâm sàng, có vấn đề thẩm mỹ
  • U có nhân độc tuyến giáp, có thể gây nhiễm độc tuyến giáp

3. Ưu điểm của phương pháp đốt bướu bằng RFA là gì?

  • Không đau hoặc rất ít đau.
  • Không phẫu thuật: Hạn chế được những rủi ro so với phẫu thuật truyền thống như: nhiễm trùng vết mổ, chảy máu trong và sau mổ như phẫu thuật truyền thống.
  • An toàn: Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ dùng kim đốt để phá huỷ chính xác từng milimet khối u bằng năng lượng nhiệt từ sóng cao tần. Do đó, đây là phương pháp tối ưu nhất vì bảo tồn được tối đa các mô lành xung quanh .
  • Thẩm mỹ: do không cần phải phẫu thuật nên kỹ thuật này sẽ không để lại sẹo ngang vùng cổ, bảo toàn được tính thẩm mỹ.
  • Hiệu quả: Hủy khối bướu mà ko phải hủy những mô lành, bảo tồn tối đa tuyến giáp. Sau điều trị, kích thước khối u sẽ giảm 40-60% sau 3 tháng, 90-95% sau 1 năm. Đồng thời các triệu chứng khó chịu ở bệnh nhân sẽ mất hẳn.
  • Không biến chứng:  Do độ xâm lấn tối thiểu nên kỹ thuật RFA khó phạm phải dây thần kinh thanh quản, tuyến cận giáp như mổ truyền thống; người bệnh cũng không bị suy giáp sau mổ.
  • Nhanh chóng – Giảm thời gian nằm viện: Thời gian đốt chỉ mất khoảng 15 – 30 phút, người bệnh chỉ bị gây tê vùng khoang quanh tuyến giáp, có thể tỉnh táo nói chuyện với bác sĩ. Sau thực hiện, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, theo dõi tại viện từ 1-2 tiếng và có thể về nhà, sinh hoạt và làm việc bình thường.

Đốt sóng cao tần (RFA) là phương pháp tiên tiến, hiện đại, mang lại hiệu quả cao vì thế người bệnh không cần lo lắng quá nhiều trong quá trình điều trị.

4. Bác sĩ sẽ tiến hành đốt nhân giáp bằng RFA như thế nào?

  • Bước 1: Siêu âm xác định chính xác vị trí các nhân giáp, đặc tính của bướu, kích thước các nhân và thể tích bướu giáp.
  • Bước 2: Sinh thiết tế bào bằng kim nhỏ FNA giúp chẩn đoán chắc chắn khối u tuyến giáp là lành tính. Trong một số trường hợp cần thiết bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm máu để xác định chức năng tuyến giáp.
  • Bước 3: Vô khuẩn vùng cổ với cồn iod
  • Bước 4: Gây tê khoang quanh tuyến giáp với Lidocain
  • Bước 5: Đốt bướu nhân giáp bằng sóng cao tần dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
  • Bước 6: Nghỉ ngơi 30 phút trước khi về nhà

5. Có biến chứng nào sau khi đốt nhân giáp bằng RFA không?

Biến chứng đều có thể xảy ra ở hầu hết các phương pháp điều trị bệnh trong y khoa. Tuy nhiên, đối với phương pháp đốt nhân giáp bằng RFA thì biến chứng sẽ rất thấp nếu bác sĩ thực hiện đúng kỹ thuật, có kinh nghiệm và kỹ năng tốt.

Bệnh nhân có thể sẽ gặp một số ít biến chứng bệnh nhân như: đau vùng cổ, thay đổi giọng tạm thời, tụ máu vết chích đặt điện cực, bỏng da nhẹ. Các triệu chứng thường chỉ ở một vùng nhất định và sẽ hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi đốt bướu.

6. Diễn tiến của nhân giáp sau khi điều trị RFA là gì?

Thể tích của u tuyến giáp sau điều trị sẽ giảm dần theo thời gian:

  • Sau 1-2 tuần: Kích thước bướu giáp tăng nhẹ do phản ứng viêm tự nhiên của cơ thể
  • Sau 1 tháng: Giảm khoảng 50% thể tích
  • Sau 3 tháng: Giảm từ 50-70% thể tích
  • Sau 6 tháng: Giảm từ 70-95% thể tích
  • Sau 12 tháng: Chỉ còn lại mô sẹo.

Với những trường hợp tốc độ giảm thể tích sau 9-12 tháng chưa đạt, bệnh nhân có thể đốt thêm lần 2 để đạt hiệu quả tối đa. Ngoài ra, bệnh nhân nên tái khám định kỳ 1 năm 1 lần trong 5 năm.

7. Bệnh nhân được kê thuốc gì sau đốt RFA?

Người bệnh được kê toa thuốc gồm kháng sinh và giảm đau trong 5 ngày. Bệnh nhân không cần dùng bất cứ loại thuốc nào thêm sau đó.

8. Bệnh nhân có cần tái khám sau đốt bướu?

Bệnh nhân sẽ tái khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp sau 5 ngày, 1 tháng, 3 tháng, và 12 tháng. Sau đó, lịch tái khám sẽ là 1 lần trên năm trong 5 năm.

9. Điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tầng (RFA) ở đâu?

Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại, Phương Châu Sóc Trăng đang triển khai phương pháp điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần (RFA). Liên hệ Tổng đài 1900 54 54 66 (ấn phím 3) để được tư vấn thêm thông tin về dịch vụ. 

 

 

Hỏi đáp bác sĩ
Đặt lịch hẹn