HẸP BAO QUY ĐẦU: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Hẹp bao quy đầu là tình trạng rất phổ biến ở nam giới, cả ở trẻ em và người lớn. Dù ở mức độ nào thì sức khoẻ sinh sản và khả năng tình dục sẽ bị ảnh hưởng. Vậy hẹp bao quy đầu là bệnh gì? Đối tượng nào dễ bị hẹp bao quy đầu và cách nhận biết như thế nào? Cùng Phương Châu Sóc Trăng tìm hiểu về bệnh lý này nhé!

1. Bệnh Hẹp bao quy đầu là gì?

Hẹp bao quy đầu (phimosis) chỉ tình trạng thắt hẹp đoạn cuối bao da quy đầu, không thể kéo tuột hoàn toàn khỏi quy đầu được.

Giữa bao quy đầu và quy đầu có một lớp dịch ẩm với tác dụng bôi trơn giúp bao quy đầu dễ dàng tuột lên tự nhiên. Trong lớp dịch này có các tế bào biểu mô của bao quy đầu tróc ra và tích tụ hình thành những mảng trắng được gọi là bựa sinh dục. Bựa sinh dục dễ dàng được rửa sạch khi tuột bao quy đầu xuống. Nếu những mảng trắng này không được vệ sinh làm sạch có thể gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục của bé.

2. Nguyên nhân của bệnh là gì?

Dựa theo nguyên nhân, hẹp bao quy đầu được chia làm 2 dạng: sinh lý và bệnh lý

  • Hẹp bao quy đầu sinh lý: chiếm hầu hết các trường hợp ( 90%), là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh nam. Vừa mới sinh ra, trẻ không có khả năng bảo vệ bộ phận sinh dục, khi đó, bao da bao quy đầu đảm nhiệm trọng trách này bằng cách che phủ và dính chặt vào quy đầu. Tuy nhiên, theo thời gian, dương vật của trẻ sẽ ngày càng phát triển to ra, lớp bao da quy đầu cũng sẽ dần dần tự tuột xuống để lộ đầu dương vật ra ngoài. Quá trình phân tách thường hoàn thành sau khi trẻ được 5 tuổi.
  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: ít gặp hơn, là tình trạng hẹp thực sự do sẹo xơ gây dính bao quy đầu. Tình trạng sẹo xơ có thể là do bẩm sinh hoặc do viêm nhiễm gây ra

hẹp-bao-quy-dau

3. Triệu chứng của bệnh là gì?

Hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ: Bao quy đầu không tuột khỏi quy đầu, không để lộ quy đầu khi dương vật cương cứng hoặc khi tiểu tiện. So với các bé trai khác thì trẻ mắc hẹp bao quy đầu có tia nước tiểu rất nhỏ và yếu, da quy đầu phồng lên khi tiểu, bé khó tiểu, tiểu đau nên rất dễ khóc. Khi chất cặn bã tích lại nhiều có thể khiến bao quy đầu sưng phồng, viêm tấy, đau đớn.

Hẹp bao quy đầu ở nam giới trưởng thành:  Nam giới trưởng thành thường da bao quy đầu sẽ tự tuột xuống khỏi quy đầu khi dương vật cương cứng nhưng với những trường hợp nam giới mắc hẹp bao quy đầu thì lại không hề vậy. Hẹp bao quy đầu khiến cho bao quy đầu luôn ôm trọn lấy quy đầu, quy đầu chỉ lộ ra được một phần hoặc bán phần hoặc khi tuột ra được rồi bao quy đầu không trở lại như cũ được hoặc bao quy đầu dính vào quy đầu. Mỗi khi dùng tay để tuột bao quy đầu sẽ gây cho nam giới cảm giác đau đớn

4. Nếu không điều trị kịp thời sẽ có những biến chứng gì?

  • Viêm quy đầu: Khi bị hẹp bao quy đầu, các tế bào chết tróc ra dưới lớp bao da quy đầu kết hợp với các chất cặn bã trong quá trình đi tiểu không được thoát ra ngoài sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, sưng đỏ và mọng nước ở đầu dương vật
  • Viêm nhiễm niệu đạo: Nếu bao quy đầu hẹp không được vệ sinh sạch sẽ thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Các vi khuẩn này gây viêm nhiễm trên quy đầu, dương vật và rất dễ xâm lấn sang niệu đạo. Trường hợp nặng hơn, vi khuẩn có thể di chuyển ngược dòng gây viêm bàng quang, viêm thận.
  • Nghẹt quy đầu: Xảy ra khi bao da quy đầu sau khi kéo tuột ra sau nhưng không kéo phủ trở lại được. Khi dương vật cương cứng, da quy đầu vẫn phủ căng vòng quanh dương vật, gây nghẹt quy đầu, khiến máu không lưu thông sinh ra sưng phù nề quy đầu, nghiêm trọng có thể dẫn đến hoại tử quy đầu.

5. Chất lượng cuộc sống của nam giới hẹp bao quy đầu sẽ như thế nào?

  • Gây mất thẩm mỹ bộ phận sinh dục: Hẹp bao quy đầu khiến quy đầu không được lộ ra hoàn toàn, bao da bó khít lấy quy đầu nên kích thước dương vật không được phát triển hoàn thiện, nam giới vì thế mà luôn tự ti vì dương vật ngắn nhỏ, mất thẩm mỹ.
  • Gây khó khăn khi tiểu tiện, vệ sinh bộ phận sinh dục: Nam giới mắc hẹp bao quy đầu thường rất khó khăn khi vệ sinh, tiểu đau và tiểu buốt, gây đau rát cho dương vật.
  • Là nguyên nhân gây nên các bệnh viêm nhiễm nam khoa: Nước tiểu tích tụ tại bao da không thoát hết hoàn toàn mà đọng lại một chút, nếu không biết giữ vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm nam khoa như: Viêm bao quy đầu, viêm quy đầu, viêm niệu đạo và nghiêm trọng nhất là ung thư dương vật.
  • Gây khó khăn cho sinh hoạt tình dục: Khi dương vật cương cứng, hẹp bao quy đầu khiến vùng da bao quy đầu căng giãn, quy đầu bị bó chặt gây đau, khó chịu. Nam giới vì thế mà không thể giao hợp dễ dàng, khó thỏa mãn trong giao hợp. Nhiều trường hợp bị chảy máu, rách bao quy đầu và ám ảnh tình dục ở những lần sau đó.

6. Phòng ngừa bệnh Hẹp bao quy đầu hiệu quả

Theo thời gian, bao quy đầu sẽ tự tuột ra khi trẻ khoảng 1 tuổi, hầu hết sẽ bình thường khi trẻ 5 tuổi, một số ít trường hợp muộn hơn đến khi trẻ dậy thì.

Bố mẹ và người chăm sóc cần biết cách vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, để ngăn ngừa viêm nhiễm gây ra hẹp bao quy đầu bệnh lý.

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: cần được thay tã thường xuyên, tránh bị hăm tã và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Bố mẹ cần vạch ra kiểm tra bộ phận sinh dục của trẻ khi tắm mỗi ngày.
  • Không nên cố gắng lộn mạnh bao quy đầu của trẻ vì có thể gây tổn thương, chảy máu, sẽ tạo sẹo xơ dễ dẫn đến hẹp bao quy đầu bệnh lý sau này.
  • Bố mẹ chỉ nên kéo nhẹ nhàng bao quy đầu của trẻ xuống để vệ sinh. Sau khi đã vệ sinh sạch sẽ và lau khô, bố mẹ nhớ kéo bao quy đầu trở lại bình thường, phủ lên đầu dương vật, nếu không sẽ gây nghẹt bao quy đầu- một biến chứng nghiêm trọng cần sự can thiệp của bác sĩ.
  • Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ cách tự vệ sinh cơ quan sinh dục

7. Các biện pháp điều trị bệnh Hẹp bao quy đầu

Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ nghiêm trọng, các điều trị có thể bao gồm:

  • Kéo da quy đầu nhẹ nhàng hàng ngày
  • Bôi thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ
  • Nong bao quy đầu
  • Cắt bao quy đầu.

7.1 Kéo da quy đầu

Đa số các trường hợp hẹp bao quy đầu có thể được nong rộng tại nhà, nhờ vào bài tập kéo căng da quy đầu. Nhưng phụ huynh phải thực hiện kiên trì 2 – 3 lần mỗi ngày trong thời gian từ 1 đến 2 tháng. Các bước tiến hành kéo căng da quy đầu bằng tay mỗi ngày như sau:

  • Sử dụng dầu dưỡng dành cho trẻ (baby oil), sáp vaseline bôi tay, hay tinh chất dưỡng thể (body lotion) làm chất bôi trơn.
  • Nhẹ nhàng kéo da quy đầuvề phía trước, ra xa khỏi người bé vài lần
  • Từ từ kéo ngược lại về phía sau trong giới hạn bé chịu đựng được và không bị đau, giữ nguyên vị trí này trong vài phút.
  • Lặp lại động tác trên vài lần hàng ngày.
  • Có thể cho bé ngâm mình trong nước kết hợp với thực hiện bài tập để bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Phương pháp kéo da quy đầu không gây sang chấn cũng như hạn chế làm tổn thương cấu trúc của da quy đầu. Tuy nhiên, phụ huynh cần thực hiện động tác kéo căng bao quy đầu thật chậm và nhẹ nhàng, tăng dần mức độ kéo căng sau lần mỗi lần tập, nhờ vậy mà lớp bao da sẽ giãn dần. Áp dụng biện pháp này đòi hỏi sự kiên trì và phối hợp tốt giữa bé với bố mẹ, đặc biệt là tuân thủ đúng kỹ thuật để tránh gây biến chứng hoặc tạo sẹo về sau. Trong trường hợp thường xuyên tập luyện nhưng sau 1 tháng không thấy kết quả nào đáng kể, lúc này nên cân nhắc chuyển sang các phương pháp khác.

7.2 Thuốc bôi hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Thực chất, đây vẫn là bài tập kéo căng da quy đầu bằng tay nhưng có kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid. Thuốc bôi hẹp bao quy đầu ở trẻ em cần dùng là loại thuốc mỡ Betamethasone 0,05%, tên thương mại là Diprosalic. Thuốc mỡ chứa steroid giúp thúc đẩy quá trình căng da, làm da mỏng hơn từ đó dễ dàng kéo căng hơn. Nếu không dùng thuốc nữa thì da vẫn sẽ dày bình thường trở lại. Lưu ý là chỉ thoa loại thuốc này đơn thuần sẽ ít có tác dụng, muốn phương pháp dùng thuốc phát huy hiệu quả phải kết hợp với bài tập kéo căng da. Hướng dẫn thực hiện:

  • Bôi thuốc vào phần trong và ngoài của bao quy đầu
  • Nếu bao quy đầu quá hẹp, chỉ để lộ một lỗ nhỏ thì nhẹ nhàng kéo da quy đầu lên xuống vài lần hoặc xoa xung quanh một lúc rồi đưa thuốc vào
  • Tiến hành biện pháp kéo căng da quy đầu bằng tay như đã hướng dẫn ở mục 2

Nên kiên trì thực hiện liệu pháp này 2-3 lần mỗi ngày trong thời gian ít nhất là 1 tháng. Trong trường hợp sau 3 tháng vẫn không thấy dấu hiệu thuyên giảm thì nên ngưng điều trị và đưa trẻ đến cơ sở y tế.

7.3 Nong bao quy đầu

Nong bao quy đầu là một hình thức tiểu phẫu được bác sĩ tại bệnh viện tiến hành bằng dụng cụ. Kỹ thuật này khá đơn giản, do đó thời gian thực hiện cũng rất nhanh, khoảng từ 3 – 5 phút. Đa số trẻ sẽ ít bị đau, nhưng nếu gặp ca hẹp quy đầu quá khít thì có thể bác sĩ sẽ dùng thêm thuốc gây tê. Sau thủ thuật, trẻ sẽ được kê đơn thuốc giảm đau, cũng như thuốc bôi kháng viêm và cho về nhà theo dõi. Đôi khi phụ huynh sẽ thấy con mình bị rướm máu phần quy đầu và la khóc, song cũng không cần quá lo lắng vì trẻ có thể sinh hoạt trở lại bình thường ngay sau đó.

 7.4 Cắt bao quy đầu

Phẫu thuật này bao gồm cắt bao quy đầu, mở rộng bao quy đầu và cắt bỏ vòng hẹp. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê xung quanh bộ phận sinh dục nam trước khi thực hiện thao tác cắt. Sau khi cắt bao quy đầu, vùng da này có thể hơi sưng phồng, nhưng sau đó sẽ sớm trở lại bình thường.

Đây là biện pháp cuối cùng khi những cách trên không phát huy hiệu quả, thường áp dụng cho trẻ lớn và thanh thiếu niên. Dương vật đã cắt da quy đầu không chỉ giải quyết được tình trạng khó tiểu mà cũng dễ vệ sinh hơn, hạn chế nhiễm trùng. Dù loại phẫu thuật này không quá phức tạp, thế nhưng phụ huynh cũng nên lựa chọn bác sĩ có kinh nghiệm và tay nghề thực hiện, kèm theo trang thiết bị sạch sẽ, vô trùng, để tránh khỏi những rủi ro đáng tiếc cho con trẻ.

8. Một số lưu ý khi điều trị hẹp bao quy đầu

Khi điều trị hẹp bao quy đầu cho trẻ, cha mẹ nên chú ý ghi nhớ một số điểm sau:

  • Bé trai dưới 4 tuổi và không có biểu hiện đau vùng kín:

Phần lớn các bé trai lúc còn nhỏ đều bị hẹp bao quy đầu sinh lý. Do đó, bố mẹ không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay cho con nếu như chưa được bác sĩ chỉ định. Việc làm này có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát.

  • Bé trai có những triệu chứng bất thường hoặc lớn trên 4 tuổi.

Khi phụ huynh thấy bé tiểu khó, phải rặn mạnh, đỏ mặt hoặc kèm theo khóc lóc, và bao quy đầu phồng lên, da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ thì nên đưa bé đi thăm khám. Bác sĩ có thể yêu cầu người nhà áp dụng lần lượt hai biện pháp tại nhà trước khi chuyển sang các hình thức can thiệp ngoại khoa.

Theo các nghiên cứu y khoa, chữa hẹp bao quy đầu không cần phẫu thuật ở trẻ em là biện pháp không tốn kém, dễ thực hiện tại nhà, giúp tránh tổn thương do tác động can thiệp y tế, cũng như các biến chứng lâu dài. Phương pháp kéo da quy đầu (có hoặc không dùng thuốc bôi) không chỉ hiệu quả, mà hơn nữa còn giúp trẻ không bị đau, không sang chấn tâm lý hay ảnh hưởng tại chỗ như khi nong hoặc cắt bao quy đầu. Chính vì vậy, phụ huynh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, cố gắng kiên trì hỗ trợ kéo bao quy đầu cho trẻ hàng ngày trước khi quyết định cho con làm phẫu thuật.

Mọi thắc mắc về các dịch vụ tại Phương Châu Sóc Trăng, quý khách vui lòng liên hệ hotline 1900 5454 66 hoặc fanpage Bệnh viện Phương Châu Sóc Trăng để được tư vấn nhé!

 

 

 

Hỏi đáp bác sĩ
Đặt lịch hẹn