SUY GIÁP: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Nguyên nhân suy giáp

Suy giáp là tình trạng xảy ra khi tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Đây là một trong những bệnh phổ biến liên quan đến tuyến giáp. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy Suy giáp là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Mời bạn cùng bác sĩ Phương Châu tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé!

1. Suy giáp là gì?

Suy giáp (thiểu năng tuyến giáp, nhược năng tuyến giáp) là một dạng bệnh nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp. Khiến tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone (thyroxine, T3, T4) cần thiết cho quá trình kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể.

Suy giáp nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: suy tim, biến cố mạch vành,.. Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản nếu bị suy giáp sẽ dẫn đến tình trạng vô sinh, sẩy thai, sinh non.

 

tuyến giáp

2. Nguyên nhân gây suy giáp

  • Bệnh tự miễn: Hay gặp là viêm tuyến giáp Hashimoto và viêm tuyến giáp xơ teo.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp:  bệnh nhân có nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, bệnh Basedow.
  • Điều trị bức xạ: Những bệnh nhân mắc bệnh Basedow, bướu nhân độc được điều trị bằng iốt phóng xạ (I-131), ung thư đầu – cổ được điều trị xạ trị. Tất cả những bệnh này có thể mất một phần hoặc toàn bộ chức năng của tuyến giáp.
  • Suy giáp bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra không có tuyến giáp hoặc chỉ được hình thành một phần tuyến giáp. Một số có một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp bị lạc chỗ hoặc ở một số trẻ sơ sinh các tế bào tuyến giáp hoặc các enzym của chúng hoạt động không bình thường.
  • Viêm tuyến giáp: Người mắc viêm tuyến giáp có thể làm cho tuyến giáp giải phóng toàn bộ hormone tuyến giáp dự trữ vào máu cùng một lúc. Dẫn đến tình trạng tuyến giáp hoạt động quá nhiều. Sau đó có thể hoạt động kém đi và gây suy giáp.
  • Ảnh hưởng tác dụng phụ của một số loại thuốc: amiodarone, lithium, interferon alpha và interleukin-2,…có thể cản trở hoạt động của tuyến giáp dẫn đến suy giáp.
  • Sử dụng quá nhiều hoặc quá ít i-ốt: Tuyến giáp cần có lượng i-ốt thích hợp để giữ cho việc sản xuất hormone ở mức cân bằng. Nếu tình trạng thừa hoặc thiếu nhiều i-ốt có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm.
  • Tổn thương tuyến yên: Tuyến yên kích thích tuyến giáp bài tiết hormone tuyến giáp. Khi tuyến yên bị tổn thương do khối u, bức xạ hoặc phẫu thuật, tuyến giáp có thể giảm hoặc ngừng sản xuất hormone.
  • Các rối loạn hiếm gặp xâm nhập vào tuyến giáp: Bệnh amyloidosis có thể lắng đọng protein amyloid, bệnh sarcoidosis có thể lắng đọng u hạt, bệnh huyết sắc tố có thể lắng đọng sắt ở tuyến giáp… làm suy giảm khả năng hoạt động của tuyến giáp.

3. Những đối tượng thường có nguy cơ suy giáp

Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ và bất kỳ lứa tuổi nào. Nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ cao tuổi. Ngoài ra, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Phụ nữ trên 60 tuổi
  • Rối loạn tự miễn
  • Gia đình có người thân, cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh tự miễn
  • Đã từng mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng qua
  • Đã được điều trị xạ trị iod hoặc thuốc ức chế tuyến giáp
  • Tiền sử chiếu bức xạ ở cổ hoặc phần ngực trên
  • Đã từng phẫu thuật tuyến giáp (hoặc một phần tuyến giáp)

4. Triệu chứng khi xảy ra hội chứng suy giáp

Trong giai đoạn đầu, những dấu hiệu của bệnh thường không rõ ràng. Vì vậy, rất khó để nhận biết và mọi người thường chủ quan bỏ qua các triệu chứng gặp phải. Cụ thể, những triệu chứng có thể gặp như:

  • Mệt mỏi
  • Táo bón
  • Da tái xanh hoặc khô, dễ bị lạnh
  • Trí nhớ giảm sút, trầm cảm
  • Giọng khàn hoặc trầm hơn
  • Nhịp tim chậm
  • Đau khớp hoặc các cơ
  • Phụ nữ có thể rối loạn về kinh nguyệt
  • Giảm hứng thú trong tình dục

Ở mức độ trầm trọng, bệnh có thể biểu hiện nặng nề hơn như: lưỡi phình to ra (chứng lưỡi lớn), phù toàn thân: mặt, tay chân, da sậm màu và xù xì do lớp sừng phát triển dày.

5. Phương pháp giúp chẩn đoán bệnh suy giáp

Cận lâm sàng phát hiện suy giáp:

  • Định lượng hormon tuyến giáp: nồng độ TSH tăng cao trong tổn thương tại tuyến giáp, bình thường hoặc thấp trong tổn thương cùng dưới đồi hoặc tuyến yên
  • Độ tập trung Iod 131 tại tuyến giáp: thấp hơn giá trị bình thường
  • Chụp xạ hình tuyến giáp là phương pháp vô cùng hữu ích trong đánh giá hình ảnh chức năng của tuyến giáp

6. Biện pháp điều trị suy giáp

Suy giáp được điều trị bằng cách sử dụng hormone thay thế mà tuyến giáp của bạn sản xuất không đủ để đưa mức T4 và TSH trở lại mức bình thường. Ngoài ra, tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị suy giáp phù hợp.

7. Phòng ngừa suy giáp thế nào?

Vì biểu hiện của bệnh thường không rõ ràng nên phòng ngừa suy tuyến giáp còn gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên có một số cách có thể phòng ngừa suy giáp ở người bệnh như:

  • Bệnh nhân có anti-TPO tăng mà chưa có biểu hiện lâm sàng suy giáp thì cần theo dõi và xét nghiệm định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trước khi chuẩn bị có thai cần được làm xét nghiệm tầm soát sớm bệnh suy giáp
  • Những trẻ là có mẹ bị bệnh suy giáp cần được xét nghiệm lấy máu gót chân ngay những ngày đầu sau sinh để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp
  • Những cặp vợ chồng vô sinh nên được xét nghiệm hormon giáp

Các chuyên gia khuyến cáo, giải pháp giúp bạn phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là hãy chủ động kiểm tra sức khỏe, thăm khám sàng lọc tuyến giáp định kỳ để đảm bảo một sức khỏe tốt. Đặc biệt là các đối tượng người cao tuổi và phụ nữ.

Để biết thêm thông tin về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, quý khách vui lòng liên hệ:

– Tổng Đài Tư vấn & CSKH 1900 54 54 66 (ấn phím 3)

– Tương tác qua Facebook BVQT Phương Châu Sóc Trăng (https://www.facebook.com/bvqtpcst)

 

Hỏi đáp bác sĩ
Đặt lịch hẹn