Trẻ nhiễm Adenovirus là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm đường hô hấp. Đặc biệt, virus này còn gây ra viêm phổi cho trẻ em với tỷ lệ tử vong 8-10%.
1. Adenovirus là gì?
Adenovirus là một loại virus DNA, có 7 loài (từ A đến G) và hơn 60 type huyết thanh phân bố trên toàn thế giới. Virus này gây bệnh quanh năm không theo mùa. Adenovirus chủ yếu gây viêm đường hô hấp trên (sốt, ho, chảy mũi..). Đôi khi còn gây viêm phổi hoặc biểu hiện ở một số cơ quan khác trong cơ thể, khoảng 5-10% số trường hợp sốt ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là do nhiễm Adenovirus. Các triệu chứng khi nhiễm bệnh còn thay đổi tùy theo độ tuổi và khả năng miễn dịch của người nhiễm bệnh. Bệnh tiến triển nặng thường liên quan đến các virus type 3,7,14,21.
2. Triệu chứng nhận biết khi trẻ nhiễm Adenovirus
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày – 2 tuần sau khi trẻ tiếp xúc với virus. Các triệu chứng của bệnh thay đổi tùy theo type virus và cơ địa của từng trẻ.
– Triệu chứng toàn thân: sốt, đau đầu, mệt mỏi
– Triệu chứng hô hấp trên: ho, hắt hơi, nghẹt mũi, khàn tiếng
– Triệu chứng hô hấp dưới: khò khè, khó thở, tím tái
– Triệu chứng tiêu hóa: nôn ói, tiêu chảy, ăn uống kém, đau bụng
– Viêm kết mạc: mắt đỏ, đau mắt
– Viêm bàng quang xuất huyết: tiểu lắt nhắt, tiểu đau, tiểu ra máu
– Một số ít trường hợp biểu hiện viêm não, viêm cơ tim, viêm thận, viêm gan, đông máu nội mạch lan tỏa.
Trong đa số các trường hợp, bệnh thường nhẹ và kéo dài vài ngày đến 2 tuần, có thể gây bệnh nặng và tử vong trên những trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ có bệnh lý nền.
3. Viêm phổi do Adenovirus
Trong một nghiên cứu 2638 trẻ nhập viện vì viêm phổi, Adenovirus được phát hiện ở 15% trẻ dưới 5 tuổi, 3% trẻ trên 5 tuổi. Adenovirus loài B type 3,7,14,21 có liên quan đến bệnh viêm phổi nặng và phức tạp. Thông thường, viêm phổi do Adenovirus chủ yếu liên quan đến những trẻ dưới 2 tuổi, viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường biểu hiện nặng hơn và có thể kết hợp với hôn mê, tiêu chảy, nôn ói. Trẻ sơ sinh và trẻ có bệnh lý nền có nguy cơ tử vong cao do viêm phổi Adenovirus. Trẻ dưới 5 tuổi bị viêm phổi Adenovirus có nguy cơ bị di chứng đường hô hấp (dãn phế quản, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn) cao hơn so với các nguyên nhân gây viêm phổi khác.
4. Nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh do Adenovirus
Các đường lây truyền chính:
– Tiếp xúc với các bề mặt có virus
– Virus lây truyền qua các giọt bắn từ đường hô hấp khi ho, hắt hơi
– Người bệnh sẽ thải phân có chứa virus vài tuần sau khi nhiễm bệnh. Có thể lây nhiễm từ phân qua nguồn nước bị ô nhiễm, tã bẩn. Hoặc rửa tay không sạch
5. Chẩn đoán trẻ nhiễm Adenovirus như thế nào?
Triệu chứng nhiễm Adenovirus tương tự như nhiễm các virus thường gặp khác. Thông thường, không cần thực hiện xét nghiệm virus trong các trường hợp bệnh nhẹ. Chỉ thực hiện xét nghiệm virus đối với các trường hợp trẻ bệnh nặng hoặc đang nghi ngờ một đợt dịch bùng phát.
Các xét nghiệm: nuôi cấy virus, xét nghiệm kháng nguyên virus, PCR, kháng thể đặc hiệu.
6. Phương pháp điều trị Adenovirus
Hầu hết các trường hợp đều được điều trị tại nhà. Các phương pháp chủ yếu:
– Hạ sốt
– Giảm ho
– Uống nhiều nước
– Ăn uống đủ chất
– Vệ sinh mũi họng
7. Biện pháp phòng bệnh Adenovirus thế nào?
– Rửa tay sạch và thường xuyên
– Giữ sạch các bề mặt được sử dụng chung (bàn, ghế, đồ chơi..)
– Tránh tiếp xúc với người đang bị bệnh đường hô hấp
– Trẻ bệnh không nên đến trường cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm
– Dạy trẻ ho, hắt hơi vào tay áo hoặc khăn giấy
– Ăn uống đủ chất, bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời, vận động cơ thể để tăng cường sức đề kháng
– Tiêm chủng cúm, phế cầu định kỳ để ngăn ngừa nhiễm các bệnh hô hấp phối hợp
8. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
– Trẻ sốt cao khó hạ hoặc sốt trên 3 ngày
– Trẻ có dấu hiệu khó thở
– Trẻ dưới 3 tháng tuổi có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh
– Trẻ có các dấu hiệu: đỏ mắt, đau mắt, thay đổi thị lực, nôn ói nhiều, tiêu chảy
– Trẻ có dấu hiệu mất nước: tiểu ít, khô miệng, mắt trũng, mệt mỏi, li bì
Mong bài viết trên sẽ cung cấp được nhiều thông tin về bệnh Adenovirus ở trẻ cho ba mẹ.
Nếu trẻ có một trong những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, ba mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra cũng như điều trị kịp thời.
Liên hệ Tổng đài 1900545466 (ấn phím 3) để được tư vấn khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Adenovirus.