CỐ VẤN CHUYÊN MÔN BS.CKI. Nguyễn Văn Bình Phó Trưởng khoa Nội, BVQT Phương Châu Sóc Trăng
|
Viêm mô bào là bệnh do nhiễm khuẩn cấp tính ở da và mô dưới da. Thường gặp nhất do Streptococci hoặc Staphylococci. Bệnh thường có các triệu chứng như: vùng bị viêm sẽ có những dấu hiệu sưng, đau, nóng, đỏ lan rộng ra xung quanh và phù nề da. Trong các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sốt, xuất hiện các hạch bạch huyết và vùng nhiễm trùng có thể sưng to.
Vậy nguyên nhân dẫn đến Viêm mô bào là gì và cách điều trị như thế nào? Mời bạn cùng bác sĩ Phương Châu tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé!
Nguyên nhân gây Viêm mô bào?
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm mô bào là: Liên cầu nhóm A và Tụ cầu vàng.
– Liên cầu thường gây tình trạng viêm mô bào không sinh mủ, không xác định rõ yếu tố đường vào. Còn viêm mô bào có mủ (nhọt, nhọt cụm hoặc áp xe,…) thường do tụ cầu vàng gây nên.
Ngoài ra còn do một số vi khuẩn khác có thể gây nên tình trạng bệnh, tuy nhiên chúng ít gặp hơn:
- Liên cầu nhóm B
- Phế cầu
- Não mô cầu
- Trực khuẩn Gram âm: trực khuẩn mủ xanh
- Nấm men và nấm mốc
- E.coli, các vi khuẩn đưởng ruột khác và vi khuẩn kỵ khí
Triệu chứng nhận biết
- Sốt, mệt mỏi
- Vùng tổn thương căng bóng, sưng tẩy, nóng, đỏ, đau
- Xuất hiện hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn
- Trường hợp nặng có thể xuất hiện thêm các mụn nước, bọng nước, mụn mủ, thậm chí hoại tử
Một số biến chứng của bệnh có thể gặp
- Viêm cầu thận cấp
- Viêm hạch
- Viêm tủy xương
- Viêm khớp
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Nhiễm khuẩn huyết
- Viêm tắc tĩnh mạch
Viêm mô bào lây truyền thế nào?
- Các tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào da thông qua các vùng tổn thương trên da như: vết nứt, vết thương hoặc vết cắn của côn trùng,.. từ đó dẫn đến tình trạng viêm mô bào.
- Một số ít trường hợp có thể có nguồn gốc từ những ổ nhiễm khuẩn khác trong cơ thể và những ổ nhiễm khuẩn này sẽ lây lan theo đường máu tới da gây nên viêm mô bào.
Bệnh thường không lây từ người sang người. Tuy nhiên, nếu bạn có vết thương hở trên da và chạm vào vùng viêm mô bào của người bị bệnh thì vẫn có thể bị viêm mô bào.
Đối tượng dễ mắc bệnh Viêm mô bào
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, cortioid kéo dài
- Bệnh nhân cao tuổi, nằm viện kéo dài, đặt đường truyền tĩnh mạch
- Bệnh nhân đái tháo đường
- Những người mắc bệnh lý ngoài da như: chốc, chàm, nấm da chân. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào da thông qua các vết nứt mà những bệnh này gây ra
- Những bệnh nhân bị tắc nghẽn bạch huyết, suy tĩnh mạch, loét tỳ đè và béo phì thì tình trạng viêm mô bào hay bị tái phát
Cách phòng ngừa bệnh Viêm mô bào
- Giữ cho da sạch khi có các vết thương hở trên cơ thể
- Dưỡng ẩm thường xuyên cho da để hạn chế tình trạng khô da, nứt nẻ
- Khi có vết thương hở trên da cần vệ sinh vùng tổn thuơng kỹ, băng vết thương bằng băng, gạc. Thay băng hàng ngày cho đến khi vết thương khô, đóng vảy
- Chú ý các vết thương trên cơ thể có tấy đỏ, chảy dịch hoặc đau không. Đây có thể là dấu hiệu nhận biết của tình trạng nhiễm trùng da
- Chủ động điều trị khi có các tình trạng nứt nẻ, tổn thương trên da như: viêm da cơ địa, nấm da chân, zona, thủy đậu, chốc…
- Mang thiết bị bảo hộ khi bạn làm việc hoặc chơi thể thao
Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Một số phương pháp cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh:
- Công thức máu (BC tăng, đa nhân trung tính tăng), Máu lắng tăng, CRP tăng
- Nhuộm Gram, nuôi cấy vi khuẩn tại tổn thương
- Sinh thiết da vùng thương tổn có thể loại trừ tổn thương không do nhiễm trùng
- Cấy máu
- Soi tươi và nuôi cấy nấm: làm trong trường hợp Viêm mô bào tái phát nghi do nấm da hoặc nấm móng
Các phương pháp điều trị bệnh
– Phương pháp điều trị chính trong Viêm mô bào là sử dụng Kháng sinh. Kháng sinh có hiệu quả đến hơn 90% các trường hợp.
– Tùy theo biểu hiện lâm sàng, tình trạng bệnh nhân, tuổi, bệnh lý đi kèm cũng như nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể khác nhau.
Bệnh sẽ ổn trong vòng 7-10 ngày khi điều trị. Tuy nhiên, thời gian điều trị có thể lâu hơn nếu tình trạng nhiễm trùng nặng kéo dài hoặc hệ thống miễn dịch của người bệnh suy giảm.
Mọi thắc mắc về tầm soát sức khỏe tại Phương Châu Sóc Trăng, Quý gia đình vui lòng liên hệ Tổng đài 1900 54 54 66 (ấn phím 3) hoặc inbox trực tiếp qua fanpage nhé!
Tài liệu tham khảo:
- Bệnh học Da Liễu tập 2 chủ biên PGS.TS.Nguyễn Văn Thường.
- Everything You Need to Know About Cellulitis (Healthline).
- Cellulitis: All You Need to Know (CDC).